Được phát hiện vào những năm 30 của thế kỉ XX với vô vàn tập tục kì lạ song có lẽ điều khiến người ta “sởn gai ốc” nhất khi nhắc đến bộ tộc Dani, Indonesia chính là phong tục chặt ngón tay của người phụ nữ mỗi khi người thân mất và nỗi đau đớn mà nó gây ra…
Là một bộ tộc Đồ đá tồn tại trong thế kỷ 21, bộ tộc Dani thuộc Wamena Papua, Indonesia, vẫn giữ hầu như mọi nghi lễ cổ xưa, trong đó có nghi thức chặt ngón tay cực kỳ rùng rợn.
Khi người thân trong gia đình mất đi, người phụ nữ thuộc bộ tộc Dani không chỉ phải chịu đựng nỗi đau về tinh thần mà họ phải cắn răng chịu cả nỗi đau về thể xác. Nếu người họ yêu thương qua đời, người phụ nữ trong gia đình sẽ buộc phải cắt 1 hoặc 2 đốt tay của mình.
Vì thế, nếu bạn có tới thăm bộ tộc Dani thì chớ có thắc mắc vì sao hầu hết các phụ nữ trong bộ tộc đều bị khuyết ngón tay. Phong tục này được người Dani gọi là Ikipalin, nó truyền đạt nỗi đau sâu thẳm của người ở lại và nỗi đau ấy sẽ vẫn còn tồn tại cho tới khi ngón tay lành lặn trở lại.
Thay vì ốm đau thương nhớ người đã khuất, người Dani quan niệm rằng, hãy để nỗi đau ra đi, một đốt tay sẽ minh chứng cho điều đó. Họ thường dùng những hòn đá sắc cạnh để cắt đứt ngón tay, tuy nhiên việc này có thể khiến ngón tay bị gẫy thay vì đứt, do dụng cụ đá không đủ sắc.
Điều này có nghĩa là nỗi đau về thể xác của người phụ nữ Dani sẽ tăng gấp bội so với việc dùng dao sắc để chặt đứt ngón tay một cách nhanh chóng. Họ thường dùng những loại lá cây rừng để cầm máu. Vết thương lớn này rất dễ bị nhiễm trùng hoặc lở loét.
Tục lệ này đã được người Dani đã duy trì hàng nghìn năm nay. Đây chưa phải là nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ Dani khi người thân qua đời. Trước kia, bộ tộc này còn thực hiện tục lệ cắt tai phụ nữ. Bên cạnh đó, trong nghi thức tang lễ, người phụ nữ phải trát bùn dưới đáy sông lên khắp người.